Chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là một việc dễ dàng mà bất cứ bà mẹ nào cũng phải gật gù công nhận. Nguyên nhân là do các bé chưa biết nói và mô tả cảm xúc nên các bà mẹ càng gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp, hiểu và đáp ứng nhu cầu của bé. Tuy nhiên, nếu cố gắng quan sát các cử động của bé và hiểu được lý do tại sao bé lại làm như vậy thì việc chăm sóc bé sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
Mẹ có thể dựa vào 3 nhóm ngôn ngữ cơ thể chính sau đây của bé, phán đoán điều con cần để xử lý kịp thời mong muốn của con như sau:
1. Tiếng khóc của bé
Khóc là cách thể hiện chính mà bé sơ sinh thể hiện nhu cầu của mình trong suốt 4 tháng đầu đời. Nhưng làm thế nào để mẹ có thể hiểu liệu em bé khóc vì đói, bị đau, hay vì một nguyên nhân nào khác
Những ngôn ngữ cơ thể mà bé sơ sinh rất muốn “nói” với mẹ, các mẹ nên cực kỳ lưu ý nhé.
– Khóc gọi mẹ: Khi bé phải ở một mình trong phòng khá lâu và bé muốn được mẹ bế đón thì bé sẽ khóc để gọi mẹ. Bé khóc trong khoảng 5-6 giây và sau đó dừng lại trong 20 giây như thể đang chờ đợi xem có thấy mẹ có đến đón bé hay không. Nếu mẹ không phản hồi thì chu kỳ này lặp lại nhiều lần cho đến khi tiếng khóc liên tục và dồn dập hơn.
– Bé khóc vì đói: Khi đói, ban đầu bé có thể khóc giống như đang gọi mẹ, nhưng nếu không được mẹ cho ăn kịp thời thì bé sẽ khóc ầm ĩ hơn và trở nên cáu giận. Đầu bé lắc qua lắc lại, mồm phát ra âm thanh như đang muốn ăn.
– Bé khóc vì đau: Khi bị đau, tiếng khóc của bé sẽ là những âm thanh đơn, to và không đổi. Khi cơn đau tăng lên bé sẽ bất ngờ khóc dữ dội. Tuy nhiên, nếu em bé bị ốm, tiếng khóc cũng có thể giống vậy nhưng yên lặng hơn vì bé không đủ khỏe để gào hét và khóc lớn.
– Khóc do các lí do sinh lý: Bất kể một hành động sinh lý nào như ợ khí, đi tiểu tiện, đại tiện đều có thể gây khó chịu cho bé. Bé có thể khóc rên rỉ hoặc khóc thét lên.
– Khóc vì buồn ngủ: Khi bé muốn ngủ nhưng lại không thể ngủ ngay thì bé sẽ khóc theo kiểu như đang muốn ăn vạ kèm theo ngáp. Bé cũng sẽ dụi mắt và tai.
– Khóc vì khó chịu: Bé khóc kiểu tỏ ra đang cáu giận, khó chịu và không liên tục, thường đi kèm với sự bồn chồn. Bé cũng có thể ưỡn cong người mỗi khi khóc. Lúc này mẹ cần kiểm tra tã của bé xem có bị ướt quá không, kiểm tra thân nhiệt, quần áo xem bé có bị nóng quá hoặc lạnh quá không.
– Những lí do khác: Bé sơ sinh có thể khóc đơn giản vì muốn thay đổi môi trường, tư thế hoặc vị trí khác, hay khi bé thấy buồn chán.
2. Âm thanh bé phát ra
Những ngôn ngữ cơ thể mà bé sơ sinh rất muốn “nói” với mẹ, các mẹ nên cực kỳ lưu ý nhé
Bác sĩ nhi khoa người Úc – Priscilla Dunstan – đã tiến hành nghiên cứu âm thanh của các bé sơ sinh trong hơn 20 năm. Hàng ngàn em bé thuộc các quốc tịch khác nhau đã tham gia vào thí nghiệm của bà. Theo bà Priscilla, âm thanh chính là phản xạ để trẻ giao tiếp. Khi được 4 tháng tuổi, các bé bắt đầu phát ra âm thanh để tìm kiếm sự giao tiếp và mong muốn được đáp ứng các nhu cầu. Khi mẹ nắm bắt được ý nghĩa của những âm thanh đó, mẹ sẽ ngăn được tiếng khóc và cơn giận dữ của bé.
– “Neh – Con đang đói mẹ ơi!”: Âm thanh nghe như tiếng chép chép miệng này được tạo ra khi bé đẩy lưỡi lên vòm miệng và tạo thanh tiếng kêu như đang bú mút.
– “Eh – Con muốn ợ hơi”: Âm thanh này được hình thành khi không khí dư thừa bắt đầu ra khỏi thực quản của bé và bé cố gắng tạo phản xạ để ợ ra khỏi miệng.
– “Owh- Con mệt/buồn ngủ rồi”: Khi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, bé sẽ gập môi và phát ra tiếng kêu kiểu này rồi sau đó là ngáp ngủ.
– “Heh – Con không thấy thoải mái đâu!”: Khi bé cảm thấy không thoải mái, bé sẽ cố gắng di chuyển cả cơ thể, giật mạnh tay chân, những hành động này tạo ra tiếng động và miệng bé hơi há ra để phát âm thanh.
– “Eairh- Con bị đầy hơi và đau bụng”: Trong khi cố gắng thoát khỏi cơn đau bụng, đầy hơi, bé sẽ phát ra âm thanh như bị méo tiếng và biến thành tiếng rên trong khi bé ưỡn căng bụng rồi thở ra.
3. Các cử động của bé
Ngôn ngữ cơ thể của bé sơ sinh sẽ giúp mẹ phán đoán con mình tốt hơn, cụ thể như sau:
– Cong lưng: Trẻ dưới 2 tháng tuổi thường thực hiện động tác này khi bị đau bụng hoặc có cơn đau ở vị trí nào đó. Nếu em bé cong lưng sau khi ăn, điều đó có nghĩa là bé đã no. Nếu mẹ thường thấy bé thực hiện động tác này trong khi ăn, đó có thể là dấu hiệu của hiện tượng trào ngược. Nếu bé trên 2 tháng tuổi, động tác này thường là biểu hiện của sự mệt mỏi và tâm trạng bé đang không tốt.
– Xoay đầu: Đây là một cử đông giúp bé thư giãn và dễ chịu hơn. Bé có thể xoay đầu trước khi chìm vào giấc ngủ hoặc khi bé ở cạnh những người không quen biết.
– Nắm tai: Trong hầu hết các trường hợp, cử động này đơn giản chỉ là em bé đang khám phá cơ thể của chính mình mà thôi. Tuy nhiên, nếu thấy bé liên tục nắm tai, bứt rứt, rên khóc và lặp lại thường xuyên thì cần cho trẻ thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác là gì.