Giải đáp khái niệm: ” Sữa mẹ nóng – sữa mẹ mát”
Theo quan niệm của dân gian, các cụ nhà ta cứ mỗi lần nhìn thấy trẻ nào gầy, ốm lại phán cho câu chắc là “ sữa mẹ nóng” , không có chất. Còn gặp trẻ nào bụ bẫm trộm vía đáng yêu thì khen ngay “sữa mẹ mát”, trộm vía quá . Nên khái niệm sữa mẹ mát cũng ra đời.
“Sữa mẹ mát” là sữa mẹ giúp bé phát triển khỏe mạnh và ít bệnh tật. “Sữa mẹ nóng” là sữa mẹ làm cho trẻ bị chậm hoặc không tăng cân, trẻ lúc nào cũng trong trạng thái ốm yếu và hay bị bệnh vặt. Đây chính là vấn đề và “nỗi lòng không biết tỏ cùng ai” của các mẹ.
Nhân dịp mẹ H ở Bình Dương có bé sinh non, inbox hỏi mình, câu hỏi của mẹ cũng chính là một trong nhiều câu hỏi mà Phú luôn luôn nhận được nhiều và thường xuyên nhất, mẹ hỏi tớ như sau:
“ Em chào chị, hiện em đang rối quá mà không biết chia sẻ cùng ai nên em mạn phép nhắn tin cho chị. Chẳng là em mới sanh bé nhưng do em sanh non, nuôi bé mãi không lớn, không tăng cân như các bé khác cùng ở tầm tuổi bé trong mốc phát triển nên người lớn trong nhà em quở trách em hoài bảo em sữa mẹ nóng quá nên con bú kiểu gì cũng không lớn được, cho uống sữa ngoài đi cho bé có da có thịt chút. Thật em không biết phải như nào, chị cho em lời khuyên đi chị”.
Thật sự tớ rất cám ơn các mẹ đã luôn nghĩ đến tớ mỗi khi các mẹ cần, các mẹ có câu hỏi thắc mắc nào các mẹ cứ gửi cho tớ, tớ sẽ đọc và viết lên những bài chia sẻ mà các mẹ cần. Nếu mẹ nào thấy những điều tớ viết có ích cho các mẹ, hãy #share những thông tin này để nhiều mẹ khác cùng biết các mẹ nhé.
Khi mẹ H hỏi mình về vấn đề này, tớ có search trên tường nhà tớ các bài viết trước đây về vấn đề sữa mẹ nóng – mát thì cho ra kết quả : sữa mẹ mát là sữa mẹ để trong tủ lạnh –còn sữa mẹ nóng là sữa mẹ mang đi hâm, haha.. tớ nói vui thôi nhé các mẹ.
Tớ xin chia sẻ về vấn đề này như sau, trên thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thế nào là sữa mẹ nóng và sữa mẹ mát. Khái niệm về sữa nóng, sữa mát hoàn toàn là khái niệm mang tính chất dân gian và truyền miệng là chính. Và hoàn toàn dựa vào các đặc điểm hình thể và sức khỏe của trẻ khi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ mà các cụ nhà ta đã phân biệt ra sữa nóng – mát theo kinh nghiệm cổ xưa của các bà:
Sữa mẹ nóng khi ăn sữa mẹ các bé chậm lớn, chậm phát triển, còi cọc, ít tăng cân, tức là sữa mẹ bị nóng, sẽ làm cho các bé gặp vấn đề về tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón. Trẻ bú sữa mẹ nóng cũng hay ốm vặt hơn những trẻ khác.
Sữa mẹ mát là nguồn sữa mẹ giúp bé phát triển toàn diện và khỏe mạnh, khi được nuôi bằng sữa mẹ mát trẻ sẽ ít bị ốm vặt, tăng trưởng đều đặn, hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Cũng bởi sự phân biệt dân gian của các cụ, thì sữa mẹ nóng cũng bao gồm những nguyên nhân sau: mẹ bị nóng trong người do thời tiết, do mất ngủ, do mệt mỏi, do sức khỏe mẹ suy yếu,… Những điều này làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ và chất lượng sữa bị giảm đi, chế độ dinh dưỡng không phù hợp nếu mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ thực phẩm, mẹ sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá ,hay vì một lý do nào đó mà mẹ sử dụng thuốc tây trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, gây tình trạng nóng trong, lở miệng,… thậm chí mẹ bị viêm vú, tắc tia sữa cũng ảnh hưởng đến sữa mẹ khá nghiêm trọng.
Khi sữa mẹ nóng khiến bé bỏ bú, bú ít đi vì sữa không còn thơm ngon và ít dinh dưỡng.??
Những điều đề cập phía trên đều là những khái niệm dân gian mà thôi, bây giờ Phú xin chia sẻ bằng kinh nghiệm của bản thân mình và những trải nghiệm mà mình đã chinh chiến suốt gần 10 năm qua trong lĩnh vực sữa mẹ.
Để bé đạt đến mốc tăng trưởng tốt thì bé cần được đáp ứng đủ lượng sữa mẹ cho nhu cầu của bé hằng ngày. Và để đủ sữa cho sự phát triển của bé, mẹ phải bảo đảm 2 yếu tố cần và đủ để bảo đảm nguồn sữa luôn tươi mới và dồi dào.
Vậy yếu tố cần và đủ mà tớ đề cập ở đây là gì?
Với yếu tố cần : mẹ cần cho bé tích cực ti mẹ , nhưng phải là bé ti mẹ đúng. Đúng về khớp ngậm và cả tư thế bé bú chuẩn.
Về em bé, tiêu chuẩn để đánh giá bé bú tốt bú khỏe , bú ổn thì cân nặng bé sơ sinh cần đạt tối thiểu 2,5kg, bé nhẹ ký quá sức bú sẽ kém hơn.
Bé phải khỏe mạnh hoàn toàn không gặp vấn đề gì về hô hấp, không bị vô dưỡng nhi, không bị bú bình và phải có khớp ngậm đúng.
Khớp ngậm đúng là bé phải biết bắt – mút – vắt , cơ hàm hoạt động , môi loe rộng, mút mạnh để ra sữa đồng thời phải bao trọn quầng thâm của mẹ, nhất là môi dưới phải mở rộng để có thể ngậm sâu và lưỡi bé có thể tác động vào các dây thấn kinh ở các vị trí 5h, 6h và 7h theo chiều kim đồng hồ để truyền tín hiệu tiết sữa về não bộ.
Tư thế bé bú chuẩn là bụng bé áp song song bụng mẹ, tai- vai- hông thằng hàng, khuỷu tay mẹ ôm trọn phần gáy bé, tạo ra một tư thế chắc chắn không lỏng lẻo khi bé ti mẹ.
Căn cứ vào lượng nước tiểu và phân bé thải ra hằng ngày để nhận biết là bé bú đủ hay không.
Nước tiểu phải trong, thay tối thiểu 6 tã ướt trở lên/ ngày.
Phân xì xoẹt 4-5 bãi/ ngày là ổn trong tháng đầu tiên, phân hoa cà hoa cải màu vàng, không phân đen hay phân xanh.
Bé phải ngủ ngon, ngủ sâu 2-3 tiếng/giấc ngủ và thậm chí có thể lên đến 4 tiếng.
Thời lượng bú tối thiểu phải là 15-20 phút /bên, nếu bú được cả 2 bầu ngực sẽ càng tố. Nguyên tắc bú là phải bú sạch được một bầu trong vòng 15 phút mới chuyển sang bầu bên kia. Nhiều mẹ không biết cứ thấy bé bú đc 2-3 phút lại chuyển qua bầu khác thì bé chỉ nhận được sữa trong mà thôi.
Xét về lượng sữa đong đo đếm được quy ra bình thì bé cần nhận một lượng sữa vào người khoảng 600 – 900ml / ngày là ổn đối với bé sơ sinh từ 3 tuần – cuối tháng.
Sau khi bú xong bé nhoẻn miệng cười, bé nhả ti, cơ mặt thoải mái, sung sướng, nhìn bé trong giấc ngủ rất thỏa mãn và vui vẻ, dễ chịu vì bé đã no sữa.
Đó là những dấu hiệu bé đã nhận đủ sữa. Với một bé sơ sinh được đáp ứng đủ nhu cầu ăn –ngủ – ị – tè chắc chắn bé sẽ tăng cân.
Với yếu tố đủ: mẹ cần được nghỉ ngơi thư giãn, tinh thần thoải mái, tự tin vào bản thân, không bị tắc sữa. Ăn uống đầy đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng chính với 4 nhóm thực phẩm, không được căng thẳng hay dễ rơi vào tình trạng stress.
Thường các mẹ mới sanh không xử lý tốt tình trạng cương sữa sẽ tồn đọng các cục cứng kích thước to nhỏ khác nhau trong bầu ngực, cuối cùng tắc lên tắc xuống, căng thẳng, stress khiến sữa không đủ cho bé bú bé trở nên cáu gắt.
Trước khi cho bú hoặc hút sữa, mẹ cần thư giãn tinh thần, massage bầu ngực bằng khăn ấm sau đó uống một ly nước ấm từ chè vằng hoặc ngũ cốc mà các mẹ yêu thích để kích thích phản xạ xuống sữa.
Kích thích mời gọi bé làm cho bé đớp ti một cách sâu nhất và tốt nhất.
Trong quá trình bé ti mẹ, mẹ cần trò chuyện cùng bé, nắn tay nắn chân, massage cho bé và liên tục khều khều cần cổ bé để nhắc nhở bé bú liên tục vì trong những ngày đầu tiên bé sơ sinh sẽ ngủ liên tục và ngủ rất nhiều.
Nếu các mẹ làm đúng – làm đủ – làm tốt các yếu tố trên thì sẽ dẹp bỏ được cái quan niệm sữa nóng- sữa mát. Các mẹ hãy tự tin vào bản thân mình sẽ làm tốt nhiệm vụ của một người mẹ trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ mà không cần phải lo ngại với bất kỳ lời nói hay đánh giá của bất kỳ ai hay thế lực nội ngoại nào cả.
Cám ơn các mẹ rất nhiều.
Phú sữa mẹ!